Lão Tử giảng, người có trí tuệ sáng suốt cần phải làm được ba điều là “thủ ngu”, “thủ tĩnh” và “thủ nhu”. Đây cũng là ba đại trí huệ vô cùng tiêu biểu trong tư tưởng triết học Đạo gia.
1. Thủ ngu: “Đại trí nhược ngu”
Tư tưởng triết học của Lão Tử là triết học “thấp điệu” (khiêm nhường, nguyện ý hạ mình ở dưới). Từ đầu tới cuối, Lão Tử đều chủ trương ẩn dật, không tranh.
Người trí tuệ sẽ không bao giờ dễ dàng khoe khoang, thể hiện bản thân mình hơn người, không giống người bình thường khác mà thường “thủ ngu”, thể hiện mình ngu ngơ, ẩn đi sự xán lạn của bản thân mình, giống như những người bình thường khác.
Trong “Sử ký” có viết rằng, thời trẻ Khổng Tử từng hướng Lão Tử thỉnh giáo đạo lý làm người. Lão Tử nói với Khổng Tử: “Lương cổ thâm tàng nhược hư, quân tử thịnh đức dung mạo nhược ngu.” ý nói người mà buôn bán giỏi thường khéo giữ của quý khiến người ngoài tưởng như họ không hề có gì, người quân tử có đức tính dung mạo khiêm cung giống như kẻ ngu ngơ.
Một người quân tử có phẩm hạnh cao thượng sẽ hiểu rõ ràng đạo lý của việc ẩn giấu. Bề ngoài của họ thoạt nhìn thì tựa như ngu xuẩn, trì độn. Bởi vì họ hiểu rằng con người thường có tâm đố kỵ tranh đấu rất lớn, cho nên người thông minh sẽ thường ở trong “bất tri bất giác” tạo nên sự tranh đấu, dễ dàng khiến bản thân mình trở thành mục tiêu của sự chỉ trích.
Lão Tử nói cho Khổng Tử biết đạo lý rằng, một người phải bỏ tâm kiêu ngạo và tham dục thì mới trở thành thánh nhân. Đây cũng chính là điều mà cổ nhân gọi là “đại trí nhược ngu”, hay trong “Luận Ngữ” khen ngợi Nhan Hồi là người “Hữu nhược vô, thật nhược hư” (có mà giống như không, thật mà giống như giả).
2. Thủ tĩnh: Gặp việc lớn phải có tĩnh khí
Lão Tử nói: “Thục năng trọc dĩ trừng? Tĩnh chi từ thanh”, ý nói ai có thể làm nước đục trong trở lại ngoài cách tĩnh lại.
Một ly nước vẩn đục chỉ có dựa vào cách lắng đọng lại từ từ thì mới có thể khiến nó dần trong trở lại. Tâm của con người cũng lại như thế, khi tâm người không tĩnh giống như cốc nước vẩn đục mà quan sát mọi việc thì sẽ chẳng thể nhìn thấu được vạn sự thế nhân, lý cũng không thuận. Chỉ khi tâm như nước trong suốt, như gương mới soi rọi vạn sự vạn vật, mới thấy rõ mọi sự tình.
Trong “Đạo Đức Kinh” viết: “Tĩnh vi táo quân”, ý nói tĩnh chính là chủ thể chỉ huy sự vận động. Tĩnh có thể khắc chế được tính khí nóng nảy, manh động của con người, giúp con người dần dần khôi phục được lý trí của mình. Một người có tính khí trầm tĩnh và một người có tính khí nóng nảy ở với nhau, ắt người có tĩnh khí sẽ luôn chiếm ưu thế thượng phong.
Thời cổ đại, trên mũ của Hoàng thượng luôn có bức rèm ngọc nhỏ, tác dụng chủ yếu của nó là thông qua bức rèm ngọc nhỏ này giúp Hoàng thượng bảo trì được trạng thái tĩnh khí, không hành xử vội vàng.
Tăng Quốc Phiên từng nói: “Tâm tĩnh tắc thể sát tinh, khắc trị diệc tỉnh lực”, ý nói chỉ có người tĩnh tâm mới có thể đủ cẩn thận để suy xét kỹ càng sự vật, phát hiện sự vật và nhìn ra những chỗ tinh vi của sự vật. Làm được như vậy có thể giúp nâng cao hiệu quả công việc, “làm ít mà công to”, giảm thiểu tối đa thời gian và sức lực.
3. Thủ nhu: Mềm thắng cứng
Tương truyền rằng khi mừng thọ Lão Tử 80 tuổi, có rất nhiều người đến chúc mừng ông. Mọi người đều hỏi bí quyết trường sinh của ông.
Lão Tử không nói lời nào mà chỉ há miệng ra cho mọi người xem. Mọi người thấy Lão Tử làm như vậy đều không hiểu ẩn ý trong việc làm của ông.
Sau đó Lão Tử giải thích: “Răng cứng nhưng nay đã chẳng còn, mềm mại như lưỡi lại còn như nguyên. Đây chính là đạo lý nhu mềm thắng cứng rắn”.
Lão Tử ca ngợi nước, phụ nữ và trẻ em, chính là vì ông nhìn thấy được sức mạnh của sự mềm mại. Mềm mại chính là đại trí huệ của sinh mệnh, cũng như một cái cây khô thì rất dễ bị gió làm cho gãy, tuy nhiên cây còn sống biết thuận theo chiều gió mà lay chuyển thì lại chẳng hề gì. Đạo lý làm người và cây cũng lại như thế, những thứ có sinh mệnh thì đều mang một thân thể mềm mại, chết rồi thì liền biến thành khô cứng.
Nước chảy đá mòn, nước tuy mềm mại nhưng lại có thể xuyên thủng được đá. Vậy nên mềm chính là sức mạnh cường đại. Trên đời này không có thứ gì mềm mại hơn nước mà lại có thể mạnh hơn nước. Nước có thể khắc chế được những thứ cứng rắn nhất trên đời.
“Binh vô thường hình, thủy vô thường thế”, những thứ mềm mại có thể dễ dàng uyển chuyển biến hóa cho nên có thể thích ứng được với vạn sự. Còn thứ cứng rắn lại khó có thể biến hóa. Đây cũng chính là đạo lý “Vô hình thắng hữu hình” trong binh pháp Tôn Tử.
Cuộc sống vốn dĩ rất giản đơn, bậc cao nhân có trí tuệ sáng suốt thì đều biết chọn cho mình một cách sống trí tuệ nhất!
Lão Tử: Bậc thượng thiện giống như nước, làm mà không tranh giành
Lão Tử đàm luận rất nhiều về nước. Ông cho rằng, người thiện vào bậc cao thì giống như nước. Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào, ở chỗ mọi người không thích (chỗ thấp), cho nên nước là gần với Đạo.
Nước là yếu tố chính cho sự sinh trưởng phát triển của vạn vật. Một người không ăn cơm trong nhiều ngày vẫn có thể sống được, nhưng một ngày không có nước sẽ thấy rất khó khăn để sinh tồn.
Nước là vô tư, vô ngã, không sợ hãi. Nó vì vạn vật, vì nhân loại mà lưu chuyển không phân biệt ngày đêm, giúp cho sinh mệnh khỏe mạnh, sinh trưởng.
Vạn vật trong vũ trụ nếu không có nước cung cấp sẽ bị khô hạn mà chết. Cho nên những câu nói: “Đại Đạo tự thủy” (đại đạo như nước), ‘Thượng thiện nhược thủy“ (bậc thượng thiện như nước), “Pháp tỷ như nước” (có thể rửa sạch vết bẩn nhơ nhớp) được Lão Tử đàm đạo nhiều nhất trong các tác phẩm của ông.
Qua các tác phẩm của Lão Tử, người đọc có thể thấy ông nhiều lần ví người có đạo đức cao thượng là giống như đặc tính của nước. Dưới đây xin trích dẫn một số trong ấy:
1. Làm lợi vạn vật mà không tranh giành
Lão Tử nói: “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật, phù duy bất tranh, cố vô vưu”, ý nói nước là thiện nhất, là tốt nhất, nước đem lại lợi ích cho muôn vật mà lại không tranh không giành lợi ích.
Đặc tính của nước là chân thành giúp đỡ vạn vật mà không tranh giành danh lợi, không tranh giành cao thấp, cũng không tự cho mình là hiểu biết, lại không khoe khoang bản thân. Chính là bởi vì không tranh giành với vạn vật cho nên nó không có oán hận lo âu.
Tương tự với “Thượng thiện nhược thủy”, Lão Tử giảng: “Thánh nhân chi đạo vi nhi bất tranh. Phu duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh.” tức là, bậc thánh nhân chỉ làm việc chứ không tranh. Vì không tranh giành, cho nên thiên hạ không ai tranh giành với mình.
2. Vô ngã, vì người mà không vì mình
Đại đạo rộng lớn, nước không có chỗ nào không chảy đến. Vạn vật đều dựa vào nước để được ẩm ướt mà sinh tồn. Nước lại không chối từ trách nhiệm, đem mình kính dâng cho tự nhiên mà không đòi hỏi bất cứ sự đền đáp nào.
Bậc thánh nhân cũng lại như thế, họ làm vì người mà không vì mình. Nhưng người không tranh giành, ngược lại, lại thắng được người khác là bởi vì mỗi việc làm của họ đều là phù hợp với bản tính con người, lợi người chứ không hại người.
3. Hạ mình ở chỗ thấp
Hạ mình ở chỗ thấp là có thể cùng một chỗ với quảng đại quần chúng, hấp thụ càng nhiều dinh dưỡng đến để làm phong phú bản thân.
Cổ ngữ có câu: “Thiện dụng nhân giả vi chi hạ” tức là khéo dùng người là hạ mình ở dưới người. Tục ngữ cũng có câu: “Nhân vãng cao xử ba, thủy hướng đê xử lưu”, ý nói con người luôn hướng đến chỗ cao để trèo, còn nước lại chảy đến chỗ trũng, chỗ thấp. Trong sự tranh giành của vạn vật, nước một mình lặng lẽ chảy đến chỗ thấp mà bao dung hết thảy.
Bởi vậy, Lão Tử cũng giảng: “Xử chúng nhân chi sở ác, cố kỉ vu đạo”, ý nói nước không tranh giành lợi với vạn vật, nằm ở chỗ mọi người không chú ý, cho nên nước là gần với Đạo nhất.
4. Mềm mại mà không yếu nhược
Trong cuốn “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử đã viết: “Kiên cường xử hạ, nhu nhược xử thượng”, ý tứ chính là nói rằng cứng cỏi thì chết, mềm mại mới sống, cứng cỏi thì kém, mềm mại mới hơn.
Ông cũng giảng, thiên hạ không có gì mềm mại bằng nước, mà cũng không có gì có sức công phá hơn được nước… Chẳng chi hơn nó, chẳng chi thay thế được nó. Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng biết thế, mà chẳng ai làm được.
Trong sách “Bão phác tử. Ngoại thiên”của tác giả Cát Hồng đã viết: “Kim dĩ cương chiết, thủy dĩ nhu toàn”, ý nói rằng kim loại vì cứng mà gãy, nước nhờ mềm mại mà vẹn toàn.
5. Hăm hở tiến lên
Nước ngày đêm chảy xiết, anh dũng mà tiến về phía trước, chảy qua rót đầy những chỗ trũng, hố sâu.
Khi gặp núi ngăn trở, nước tự biết chuyển mình chảy tiếp. Khi gặp vật ngăn cách, nước lại tự biết đảo chiều dòng chảy mà không chịu khuất phục.
Nước không sợ gian nan hiểm trở, không sợ khúc chiết, hăm hở tiến lên không ngừng.
6. Bao dung, vị tha
Nước được xưng là có lòng bao dung vĩ đại, bất luận là ân oán, đúng sai, vô luận là giọt nước ở sông lớn hay dòng suối nhỏ, đều có thể giống như Lâm Tắc Từ (tướng nhà Thanh) đã nói: “Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại, bích lập thiên nhận, vô dục tắc cương“ (ý nói biển lớn dung nạp trăm nghìn dòng sông, tấm lòng bao dung mới có thể trở nên vĩ đại, vách núi nghìn trượng sừng sững, không mang dục vọng thì có thể giữ mình cương trực).
Nước không cố chấp, không cao ngạo, tự cao tự đại. Nước có thể lật thuyền mà cũng có thể nâng thuyền, nước có trăm điều thiện mà không một điều dối lừa.
Lão Tử cũng nhấn mạnh rằng, một người nếu có thể khéo lựa chỗ khiêm nhường giống như nước, tâm tính bao dung vị tha giống như nước, nói chuyện có tín giống như quy luật lên xuống của thủy triều, đối nhân xử thế hợp tình hợp lý giống như sự công bằng của nước, làm việc dung hòa giống như nước, nắm bắt cơ hội giống như nước tùy thời mà chuyển động, không cùng người khác tranh giành thì người ấy vĩnh viễn tránh được tai họa mà gặp được bình an.
Triết lý nhân sinh của Lão Tử: Mềm thắng cứng, nhu thắng cương
Lão Tử (600 – 500 TCN) là nhà tư tưởng, người sáng lập Đạo gia thời Xuân Thu, Trung Hoa. Lão Tử họ Lý, tên Nhĩ, tên chữ là Bá Dương, là người làng Khúc Nhân, xã Lệ, huyện Khổ, nước Sở. Ông đã làm quan sử, giữ kho sách của nhà Chu, sau này ông từ chức về ở ẩn.
Lão Tử dùng “Đạo” để giải thích về sự phát triển biến hóa của vạn vật trong vũ trụ, đồng thời ông cũng truyền đạt lại rất nhiều triết lý nhân sinh cho con người. Trong “Đạo Đức Kinh”, ông đã để lại rất nhiều tinh hoa cho hậu thế. Dưới đây là một số ghi chép về các bài học điểm ngộ trong cuộc đời của Lão Tử.
Răng và Lưỡi, cái nào tồn tại được lâu hơn?
Thuở nhỏ, Lão Tử từng có một vị lão sư tên là Thường Tung. Vị lão sư này rất chú trọng truyền đạt cho Lão Tử về lễ nghi của nhà Ân Chu. Những phép tắc lễ nghi của nhà Ân Chu lại vô cùng nhiều và chi tiết. Điều ấy khiến cho Lão Tử – bấy giờ còn là một đứa trẻ cảm thấy rằng, con người phải thủ giữ nhiều lễ nghi như vậy thì đúng là sống ở trên đời này thật sự là một việc quá khó khăn!
Rất nhiều năm sau, khi Lão Tử đã lớn lên là một người trưởng thành thì lão sư Thường Tung của ông cũng đã vô cùng già yếu. Thời điểm, lão sư Thường Tung bị bệnh nặng, xem ra thời gian còn ở trên thế gian cũng không được bao lâu nữa. Lão Tử sau khi biết chuyện đã lập tức đến thăm viếng thầy.
Lão Tử tiến đến bên cạnh giường của thầy và hỏi: “Xem ra thầy khó qua khỏi. Dám bạch thầy còn điều gì dạy bảo chúng con không ạ?”
Lão sư Thường Tung không nói gì mà há miệng ra cho Lão Tử xem, rồi lấy tay chỉ chỉ và thều thào hỏi: “Lưỡi của ta còn không?”
Lão Tử cảm thấy kỳ lạ, vội hỏi: “Thầy phải chăng đã bệnh đến mức lẫn rồi sao? Sao lại hỏi câu đó? Không còn lưỡi thì sao thầy có thể nói chuyện được?”
Lão sư Thường Tung lại hỏi Lão Tử: “Thế răng của ta còn không?”
Lão Tử vẫn khó hiểu, trả lời: “Thưa, rụng hết rồi ạ!”
Lão sư Thường Tung lại hỏi tiếp: “Thế con có biết là vì sao không?”
Ngẫm nghĩ giây lát Lão Tử thưa với thầy: “Thưa thầy! Bởi vì lưỡi mềm nên còn. Răng cứng nên rụng, có phải vậy không ạ?”
Lão sư Thường Tung khẽ gật đầu rồi nhắm mắt.
lVề sau, trong cuốn “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử đã viết: “Kiên cường giả tử chi đồ, nhu nhược giả sinh chi đồ. . . . . . Kiên cường xử hạ, nhu nhược xử thượng”, ý tứ chính là nói rằng cứng cỏi thì chết, mềm mại mới sống, cứng cỏi thì kém, mềm mại mới hơn.
Lão Tử cũng viết: “Thiên hạ mạc nhu nhược vu thủy, nhi công kiên cường giả mạc chi năng thắng: kì vô dĩ dịch chi. Nhược chi thắng cường, nhu chi thắng cương. Thiên hạ mạc bất tri, mạc năng hành”. Ý nói trong thiên hạ không gì mềm yếu hơn nước. Thế mà nó lại công phá được tất cả những gì cứng rắn. Chẳng chi hơn nó, chẳng chi thay thế được nó. Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng biết thế, mà chẳng ai làm được.
Lão Tử nhờ bài học của lão sư Thường Tung mà sau này mới lĩnh ngộ được rằng trong đối nhân xử thế phải thủ giữ được lễ nghi nhà Ân Chu như sư phụ đã truyền đạt. Bởi vì trung tâm của lễ nghi nhà Ân Chu chính là dạy đức tính khiêm nhường. Con người chỉ có khiêm nhường mới có thể bao dung và tồn tại được lâu dài, giống như nước vậy.
Lời hoa mỹ thì không thật, lời thật thì không hoa mỹ
Quê hương của Lão Tử là nơi nổi tiếng với hoa mẫu đơn. Một ngày, có người đến thôn của ông bán cây hoa mẫu đơn. Nhưng thực chất đó là gốc cây củ gai trông giống hệt như gốc mẫu đơn, được bày trên tấm vải màu đỏ. Người bán hàng dùng những những lời lẽ hoa mỹ, dễ nghe để chào mời khách mua:
“Nhất đóa mẫu đan phóng hồng quang
Quang thải chiếu nhân mãn viện hương;
Hoa đóa túc hữu bồn khẩu đại,
Diễm lệ vô bỉ hoa trung vương”
Tạm diễn nghĩa:
“Một đóa mẫu đơn tỏa sắc hồng,
Màu sắc rọi người, khắp nhà thơm;
Đóa hoa xòe nở bằng miệng chậu
Xinh đẹp vô cùng, vua loài hoa!”
Lão Tử nghe ông ta nói hay nói ngọt như vậy, vô cùng mừng rỡ bèn mua một cây. Sau khi về nhà, ông cẩn thận trồng nó ở trong sân. Không lâu sau, gốc cây đó đã nảy mầm, mọc ra những lá non. Nhưng đợi mãi đợi mãi mà không thấy hoa đâu, thân cây dần dần to ra thô ráp, lộ ra nguyên hình cây củ gai.
Mùa xuân năm sau, lại có một người đi vào trong thôn bán gốc mẫu đơn. Vì đã mắc lừa lần trước, lần này Lão Tử cẩn thận hỏi người bán rằng: “Cây mà ông bán, có phải là mẫu đơn thật không?”
Người đó không nói nhiều, chỉ nhìn Lão Tử một cái, tiếp đó không đếm xỉa tới mà nói một câu thô lỗ: “Chỉ có một đống này, ông muốn mua thì mua, không muốn mua thì thôi!”
Lão Tử cảm thấy người này thật kỳ lạ: “Sao ông ta lại không khen ngợi hàng của mình nhỉ?”.
Cuối cùng Lão Tử vẫn mua một gốc cây, về nhà ươm trồng ở trong sân vườn. Mười ngày sau, trên mặt đất đã trồi lên mầm non. Không lâu sau, cây mẫu đơn đó lại nở ra mười mấy bông hoa vừa to vừa đẹp. Những người hàng xóm láng giềng đều đến ngắm nhìn thưởng thức.
Lão Tử mừng rỡ, gặp ai cũng kể lại cho họ nghe câu chuyện về hai lần mua gốc mẫu đơn ấy.
Về sau khi viết cuốn “Đạo Đức Kinh”, ông viết: “Tín ngôn bất mỹ, mỹ ngôn bất tín”, ý tứ chính là lời nói thật thì không hoa mỹ, lời hoa mỹ thì không thật. Đây cũng là một câu triết lý, bài học cho người đời sau trong cách nhìn người, lựa chọn bạn để kết giao.
An Hòa (biên dịch theo sự cho phép của tác giả)